Ai cũng có thể bị dị ứng và dị ứng là phản ứng tự nhiên của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng. Những tác nhân gây dị ứng này có thể ít ảnh hưởng đến người khác, nhưng lại khiến bạn khò khè và ngứa ngáy toàn thân. Và nếu không loại bỏ chúng, cơn dị ứng sẽ tiếp tục kéo dài.
Vì vậy, thay vì dùng các loại thuốc kháng histamin, hãy thử 7 bí quyết đơn giản này để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong không gian sống của bạn.
1. Lọc bỏ tác nhân gây dị ứng
Theo báo cáo của Mạng lưới Hen suyễn toàn cầu, năm 2014 có hơn 344 triệu người trên thế giới mắc bệnh hen suyễn – Một con số đáng lo ngại. Chúng tôi khuyên bạn nên sở hữu một máy hút bụi, nó không chỉ hút được bụi bẩn mà còn góp phần bảo vệ bạn trước những nguy cơ dị ứng tiềm tàng. Bỏ qua những loại máy hút bụi có túi đơn giản đời cũ, chúng tôi đang nói tới bộ lọc HEPA. Bộ lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air) có thêm ưu điểm là loại bỏ được các tác nhân gây dị ứng siêu nhỏ như bào tử, phấn hoa và vi khuẩn.
Chọn máy hút bụi với bộ lọc HEPA có thể giặt được, không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí hơn vì có thể tái sử dụng, mà còn lọc được nhiều tác nhân gây dị ứng hơn so với túi bụi thông thường, rất thích hợp cho những người bị dị ứng. Nếu hay bị dị ứng bạn sẽ phải hút bụi thường xuyên, vì vậy nên chọn một chiếc máy hút bụi vận hành "êm ái", không đánh thức gia đình mỗi khi bạn dọn dẹp. Nếu muốn máy hút bụi không cần bảo trì nhiều, hãy chọn máy hút bụi không túi để giảm bớt những rắc rối của việc phải thay thế túi bụi, tiết kiệm thời gian cho bạn và thân thiện hơn với môi trường.
2. Dọn sạch những bẫy bụi tiềm tàng
Có thể bạn muốn đọc sách thư giãn mỗi tối, nhưng cần lưu ý điều này vì tủ sách là một trong những bẫy bụi lớn nhất trong hầu hết các gia đình, và thường không được để ý. Nên để sách trong các ngăn tủ có cửa và cố gắng giảm số lượng tủ không có cửa trong nhà của bạn; đây là một cách tuyệt vời để sắp xếp cũng như loại bỏ các đồ đạc dễ thu hút bụi. Thảm cũng thu hút và bẫy bụi, là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra dị ứng. Nếu có thể, hãy chọn sàn gỗ cứng hoặc laminate dễ lau chùi. Còn nếu bạn không muốn từ bỏ sự thoải mái của tấm thảm dày, mềm dưới chân, hãy cân nhắc việc đầu tư một chiếc máy hút bụi có bàn chải Turbo để hút bụi được tốt hơn. Hoặc một cách khác là chọn loại thảm lông ngắn sẽ khó bị bám bụi hơn, và nhớ hút bụi 1 lần 1 tuần.
3. Dép đi trong nhà
Các đôi giày không chỉ mang theo bụi và các tác nhân gây dị ứng từ bên ngoài, mà chúng còn mang cả bụi bẩn vào trong nhà, khiến việc dọn dẹp trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, thay vì mang giày dép vào nhà, hãy cân nhắc việc sắm cho mỗi thành viên gia đình một đôi dép riêng đi trong nhà, vừa sạch sẽ lại vừa thoải mái. Nên lắp đặt một giá để giày ở cửa chính và nhắc các thành viên trong gia đình thay giày khi vào nhà, điều này sẽ giữ cho cửa ra vào gọn gàng và ngăn nắp hơn.
4. Loại bỏ nấm mốc
Nấm mốc phát triển trong điều kiện ẩm ướt, và dễ nhận thấy nhà bếp và phòng tắm là những nơi dễ bị nấm mốc nhất. Khi vệ sinh nhà cửa, hãy kiểm tra các vết nứt hoặc các khu vực chống thấm quanh bồn rửa và bồn tắm để xem có nấm mốc hình thành không. Nếu bạn thấy có các bộ phận bị mốc, hãy chà mạnh để loại bỏ và lau khô để đảm bảo nấm mốc không xuất hiện trở lại. Nên nhớ dọn sạch các thùng chứa nước không dùng đến (sốt xuất huyết không phải là tác nhân gây dị ứng, nhưng cũng là một mối nguy hiểm) và xem xét việc lắp đặt máy hút ẩm ở những nơi ẩm ướt trong nhà để hạn chế nấm mốc.
5. Tránh tiếp xúc với phấn hoa và lông vật nuôi
Dị ứng với chó/thú cưng và phấn hoa là hai trong số những bệnh dị ứng phổ biến nhất mà chúng ta gặp phải. Nếu bạn lo ngại mình có thể bị dị ứng với lông thú cưng, hãy đi kiểm tra trước khi quyết định mua thú cưng. Còn nếu bạn đang nuôi một thú cưng thì hãy cố gắng giảm thiểu việc cho thú cưng ngủ trong phòng của bạn, và chắc chắn không để thú cưng trên giường, bởi lông của chúng có thể gây khó thở. Nên vệ sinh và chải lông cho thú cưng thường xuyên. Với những người bị dị ứng với phấn hoa thì tương tự như vậy, hãy giữ cây hoa ở ngoài trời. Nếu bạn không muốn từ bỏ thú vui chăm sóc sân vườn hoặc muốn có cây xanh xung quanh, thì hãy cân nhắc việc trồng các loại cây nhân tạo, nhà kính hoặc vườn thủy canh để không còn nỗi lo dị ứng.
6. Giả da là lựa chọn tốt
Với đồ nội thất, hãy chọn các vật liệu dễ vệ sinh và ít bảo trì như da hoặc giả da – Ưu điểm không bẫy bụi và có thể lau sạch dễ dàng. Nhưng nếu bạn vẫn muốn sự mềm mại và thoải mái của chiếc ghế bành bằng nhung, vải lanh, lông hoặc vải dệt, hãy đảm bảo rằng bạn hút bụi chúng ít nhất mỗi tháng một lần. Một số hãng máy hút bụi có đầu bàn chải đặc biệt để vệ sinh đồ nội thất và sofa vải. Những đầu chải này có lực nhẹ, sẽ không gây rách hoặc làm hao mòn vải, và đầu bàn chải mềm sẽ giúp chải được bụi bẩn hiệu quả hơn. Nên tránh các tấm rèm treo cửa sổ nặng nề mà hãy chọn rèm sáo hoặc những vật liệu nhẹ, dễ giặt.
7. Ánh nắng mặt trời và một buổi vận động
Sau khi giặt ga trải giường, hãy cố gắng phơi nắng nếu có thể để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng. Tia UV từ mặt trời sẽ giúp tiêu diệt mạt bụi và vi khuẩn. Nếu bạn không thể phơi nắng đồ đã giặt do thời tiết hoặc không gian hạn chế, nên sử dụng bàn ủi hơi nước để khử trùng ga trải giường và quần áo. Tốt nhất là nên giặt quần áo với nước nóng từ 45 đến 60oC. Khi khô, nên dùng cây đập để loại bỏ các bóng bụi có thể hình thành trên ga trải giường. Giảm thiểu bụi bằng cách cất các quần áo bạn không sử dụng trong thời gian dài (ví dụ quần áo mùa đông) sẽ tiết kiệm thời gian, diện tích và giúp mọi thứ ngăn nắp, không bám bụi.